Asian Cup hay còn gọi là Cúp bóng đá châu Á, đây là giải bóng đá hàng đầu dành cho các ĐTQG của châu Á có cấp độ tương đương với Euro và Copa America, ra đời vào năm 1956 và được tổ chức 4 năm 1 lần.
AFC Asian Cup cũng là giải cấp ĐTQG lâu đời thứ 2 sau Copa America. Nhà vô địch hiện tại của giải đấu là Qatar sau khi giành chức vô địch tại Asian Cup 2019. Israel là đội duy nhất ngoài AFC từng vô địch Asian Cup 1964 và hiện không còn là thành viên của AFC.
Asian Cup ra đời vào năm 1956, lần đầu tiên được tổ chức tại Hồng Kông. Trước đó, Liên đoàn bóng đá châu Á ra đời vào năm 1954. Giống như EURO, ban đầu AFC Cup chỉ có 4 đội tham dự vòng chung kết cho tới tận năm 1964.
Giải ngày càng được mở rộng lên 8, 12 đội và rồi là 16 đội vào năm 2004. Tới năm 2007, lần đầu tiên giải có tới 4 đội chủ nhà đến từ 4 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2019, giải mở rộng lên 24 đội, 3 năm sau hành động tương tự tới từ EURO.
Nhật Bản là đội tuyển nhiều lần vô địch nhất với 4 lần lên ngôi vào các năm 1992, 2000, 2004 và 2011. Đây là điều khá bất ngờ bởi trước đó, bóng đá Nhật Bản gần như không có tên trên bản đồ châu lục. Các đội Iran, Ả Rập Xê Út mỗi đội 3 lần vô địch. Hàn Quốc có 2 lần vô địch.
Các đội Kuwait, Iraq, Úc, Israel và Qatar đã một lần đăng quang. Trong số này, Australia là đại diện của khu vực châu Úc đã chuyển sang gia nhập AFC vào năm 2004. Trong khi đó, Israel đã từ AFC gia nhập UEFA vào những năm 1970. Lý do cho hành động này là bởi Israel khi đó bị các nước Ả Rập tẩy chay, không thi đấu cùng.
Kể từ Asian Cup 2019, có 24 đội tuyển tham dự được chia thành 6 bảng, mỗi bảng 4 đội. Các đội đứng nhất nhì mỗi bảng và 4 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt sẽ giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp.
Nếu các đội có cùng điểm số thì sẽ xét yếu tố thành tích đối đầu trước, sau đó mới đến hiệu số bàn thắng, số bàn thắng ghi được và nếu các chỉ số bằng nhau sẽ tính điểm fair-play (thẻ vàng được tính 1 điểm, thẻ đỏ trực tiếp và 2 thẻ vàng được tính 3 điểm, 1 thẻ vàng và sau đó lãnh thẻ đỏ trực tiếp được tính 4 điểm).
Tại vòng loại trực tiếp, mỗi đội được phép có 4 quyền thay người khi trận đấu bước vào hiệp phụ. Cũng kể từ Asian Cup 2019, sẽ không có trận tranh hạng ba nếu 2 đội thua ở bán kết.
Asian Cup 2019 được tổ chức tại UAE là vòng chung kết bóng đá châu Á lớn nhất trong lịch sử với sự tham dự của 24 đội bóng. Các đội sẽ được bốc thăm chia vào 6 bảng đấu thay vì chỉ 4 như trước đây. Theo đó, 2 đội xếp nhất và nhì ở mỗi bảng sẽ giành quyền vào thẳng vòng 1/8, 4 đội đứng ở vị trí thứ 3 có thành tích tốt nhất sẽ được trao tấm vé vớt theo chân 12 đội xếp nhất nhì bước vào vòng đấu loại trực tiếp.
Điều lệ mới cũng quy định các đội tham dự Asian Cup năm nay sẽ có tất cả 4 quyền thay người. Tuy nhiên, quyền thay người thứ 4 chỉ được thực hiện khi trận đấu phải bước vào hiệp phụ.
Bên cạnh đó, sau khi được sự chấp thuận của FIFA và Uỷ ban Hiệp hội bóng đá quốc tế (IFAB), AFC đã quyết định đưa công nghệ Video hỗ trợ trong tài (VAR) vào áp dụng tại Asian Cup 2019, bất chấp những tranh cãi nổ ra ở World Cup 2018 cách đó chưa lâu.
Một chiếc cúp vô địch mới cũng sẽ được giới thiệu tại Asian Cup 2019 thay thế cho chiếc cúp cũ đã được trao từ năm 1956. Chiếc cúp mới này được thiết kế và chế tạo hoàn toàn bằng thủ công tại Anh, bởi thương hiệu mỹ nghệ hàng đầu thế giới Thomas Lyte.
Thành tích của bóng đá Việt Nam tại Asian Cup
Kể từ khi trở lại với đấu trường quốc tế năm 1990, ĐT bóng đá quốc gia Việt Nam đã 2 lần được tham dự Asian Cup. Lần đầu tiên vào năm 2007, chúng ta là nước đồng chủ nhà và tham gia giải đấu. Tại đây, Việt Nam có chiến thắng lịch sử trước UAE với tỷ số 2-0 và lọt vào tứ kết, trước để thua trước đội sau đó vô địch giải, Iraq với tỷ số 2-0.
Lần thứ 2 tham dự Asian Cup của ĐT Việt Nam là năm 2019. Lúc này, chúng ta lần đầu tiên vượt qua vòng loại. Tại vòng bảng, Việt Nam để thua Iraq 2-3, thua Iran 0-2 nhưng thắng Yemen 2-0 ở trận thứ 3, vừa đủ để trở thành đội xếp thứ 3 có thành tích xuất sắc. Vào vòng 1/8, Việt Nam vượt qua Jordan trên chấm 11m sau khi cầm hòa 1-1 sau 120 phút. Đến tứ kết, Việt Nam để thua Nhật Bản với tỷ số 1-0.
Mặc dù chỉ có thành tích lọt vào tứ kết 2 giải đấu này, nhưng nếu tính cả thành tích của ĐT bóng đá quốc gia Việt Nam, đại diện cho một thể chế chính trị không được công nhận thì chúng ta có 2 lần được hạng 4 châu Á. Đó là 2 lần đầu tiên giải được tổ chức vào năm 1956 và 1960.
Bình luận gần đây